Old school Easter eggs.
kenhvanhoa.yn.lt
HOME GD Giải Trí
» »
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định "vận mệnh của thơ văn...chính nó" trong Tây Tiến của Quang Dũng

Có ý kiến cho rằng: “ vận mệnh của thơ văn lớn hơn nhiều lần tên tuổi của người tạo ra chính nó”. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những trường hợp như vậy. Anh chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Trong trường kì lịch sử, có những năm tháng không thể nào quên. Có những tác phẩm ghi lại được dấu ấn cả một thời làm người ta rung động, say mê. Với thơ ca cũng vậy. Thời gian luôn rất công bằng, luôn là bộ lọc khách quan nhất, nó sẽ trả về lãng quên những gì không có giá trị và chỉ giữ lại những giá trị đáng kể. Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng có khả năng vượt lên mọi “bờ cõi và giới hạn”, sống mãi với thời gian để khẳng định giá trị đích thực của mình. Đến với đời sống, mỗi sáng tạo văn chương đều mang theo một sinh mệnh độc lập mà nhiều khi sinh mệnh ấy lớn hơn nhiều lần tên tuổi của những người tạo ra chính nó”. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những tác phẩm như vậy.
Quang Dũng là một tài năng nhiều mặt: làm thơ, viết văn, vẽ tranh nhưng người ta biết đến ông trước hết là một nhà thơ. Dấu ấn trong sáng tác của Quang Dũng cũng nổi bật nhất trong lĩnh vực thơ. Bài thơ Tây Tiến được khởi nguồn từ một nỗi nhớ. Một kỉ niệm về binh đoàn Tây Tiến ma ông đã từng có một thời gian gắn bó. Tác phẩm được viết năm 1948 khi Quang Dũng đã rời xa Tây Tiến, chuyển công tác sang một đơn vị khác. Đã có ý kiến cho rằng nếu phải kể tên năm tác giả lớn của thơ ca kháng chiến chống pháp thì có thể không có Quang Dũng, những nếu phải kể tên năm bài thơ hay nhất vào thời kì này thì dứt khoát phải nhắc đến Tây Tiến. Vậy điều gì ở Tây Tiến đã đến đến cho bài thơ vinh dự ấy? điều gì đã khiến bài thơ có sức rung cảm sâu xa đối với tâm hồn bao thế hệ người đọc hơn nửa thế kỉ này?
Nhận định của Nguyễn Bao đã đề cập tới một vấn đề của lí luận văn học. Nhà nghiên cứu nói đến “vận mệnh của thơ ca” tức là nói đến sức sống của tác phẩm văn chương. Cùng là sáng tạo nghệ thuật, cùng là tâm huyết của người nghệ sĩ, những có những tác phẩm sống mãi với thời gian, luôn được lưu giữ trong kí ức tâm hồn bao thế hệ độc giả qua bao thời đại, nhưng cũng có rất nhiều tác phẩm hoàn toàn bị rơi vào quên lãng. Điều quyết định làm nên sức sống, sự trường tồn của tác phẩm văn chương chính là giá trị của tác phẩm. Sau mươi năm khoảng thời gian chưa phải là quá dài nhưng cũng đủ để kiểm nghiệm giá trị, đánh giá chất lượng của Tây Tiến. Với Quang Dũng, gia tài thơ của ông không nhiều, chỉ vài ba tập thơ, vài ba tập truyện ngắn, bút kí được in chung và in riêng. Ông cũng không phải là gương mặt lớn của nền thơ ca dân tộc. Nhưng chỉ với Tây Tiến, Quang Dũng đã trở thành một trong những nhà thơ trẻ đầy tài năng của những năm kháng chiến chống Pháp. Tây Tiến được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca thời kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ghi dấu một gương mặt riêng của thi sĩ với ngòi bút tài hoa, lãng mạn. Và chỉ với Tây Tiến, Quang Dũng đã có được điều mà không ít người làm thơ phải ao ước. Người đọc có thể không thể biết về Quang Dũng nhưng bài thơ của ông thì người ta đã thuộc, đã nhớ, đã lưu tâm dù có khi chỉ một vài dòng- đó chẳng phải đã là niềm hạnh phúc cho tác giả?
Sức sống của Tây Tiến trước hết có được bởi vẻ riêng quyến rũ của bài thơ khi viết về một đề tài hết sức quen thuộc: đề tài người lính. Thiếu gì hình ảnh anh hùng, tráng sĩ trong thơ cổ, thơ ca tiền chiến, và ngay cả trong thời kì này, khi Quang Dũng viết Tây Tiến, và ít lâu sau đã có hình ảnh người lính trong thơ Chính Hữu, Hồng Nguyên, Hoàng Trung Thông,…sau này là Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân,… những con người đứng ở tuyến đầu thời đại đã trở thành hình ảnh trung tâm của văn học viết về chiến tranh luôn được các nhà thơ, nhà văn dành những tình cảm yêu quý nhất, những lời ca ngợi chân thành, đẹp đẽ nhất để viết về họ. Có thế khẳng định Quang Dũng với bài thơ Tây Tiến đã lưu được hình ảnh đẹp của một thời oanh liệt, sức hấp dẫn cũng là vẻ đẹp riêng của bài thơ nằm ngay trong hình tượng này. Đó là người lính Tây Tiến- linh hồn của bài thơ. Nhà thơ đã đem đến sự cảm nhận về một vẻ đep riêng dành cho hình tượng người lính trong bài thơ của mình. Đó là những con người mang vẻ đẹp hào hùng, cao cả trong lí tưởng, tinh thần, trong tư thế và quyết tâm, vừa hào hoa, lãng mạn giàu mộng mơ trong tâm hồn, tình yêu và nỗi nhớ, lại phảng phất vẻ đẹp của người anh hùng trong thơ ca cổ- có thể gọi họ là “tráng sĩ Tây Tiến”.
Nét khác biệt của Quang Dũng so với các nhà thơ khác là không đi vào miêu tả những khuôn mặt riêng biệt, những tên tuổi cụ thể của người lính Tây Tiến mà tập trung thể hiện phẩm chất, gương mặt chung của cả một đoàn binh kiêu dũng, oai hùng.
Sự mới mẻ của hình tượng người lính Tây Tiến cũng làm nên sức hấp dẫn của bài thơ. Lí Tây Tiến mang vẻ đẹp riêng bởi hoàn cảnh xuất thân( phần đông là trí thức Hà Thành, lại là thanh niên trẻ tuổi, nên họ có phần lịch lãm, hào hoa và sang trọng ngay cả trong điều kiện vật chất thiếu thốn; hào hoa giữa cái ác liệt của chiến trường và lịch lãm biết bao trong lỗi nhớ. Hãy cứ so sánh hai nỗi nhớ: “ giếng nước, gốc đa”(Chính Hữu) và “dáng kiều thơm”(Quang Dũng) là đủ rõ. Đó là những con người lãng mạn, trẻ trung, yêu đời và phơi phới lạc quan. Xin lưu ý, nét lãng mạn, hào hoa của người lính chỉ có trong bài thơ của Quang Dũng.
nét đẹp hào hùng của người lính được Quang Dũng thể hiện tập trung chỉ qua một số câu thơ:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc.
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
mắt trừng gửi mộng qua biên giới.hay:
chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.Thực ra thì ngày đầu bài thơ, phẩm chất anh hùng của người lính cũng đã được thể hiện: đó là sự dấn thân vào nơi nguy hiểm, dữ dội( núi cao, đèo cả, dốc thẳm, sương dày, với chiều chiều, đêm đêm rùng rợn, núi rừng âm u, hoang vắng, lạnh lẽo,…). Sự hoang vu, hiểm trở đã thành thước đo nghị lực, phẩm chất của người lính. Bởi núi càng cao, đèo càng sâu thì hình ảnh người lính Tây Tiến càng đẹp.
Có nét ngang tàn trong chân dung người lính, dù mỏi mệt nhưng vẫn đầy sức mạnh và kiêu hãnh. Đói rét, thiếu thốn, bệnh tật những cũng không làm mất đi vẻ oai hùng, khí cốt khỏe khoắn, lẫm liệt, dáng dấp trượng phu, sự gan góc, quả cảm và dũng mãnh…
Cần thấy điểm này ở Quang Dũng và đồng đội của ông: cùng những người trong lứa tuổi thanh xuân, họ đã dấn thân mình vào cuộc chiến với tất cả men say của những người khao khát tự do, độc lập, với lí trí cao đẹp của một thời: sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
“chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”Có lúc sóng gió đã đến với bài thơ của Quang Dũng. Đó cũng là thực tế mà nền văn học cách mạng nào cũng phải trải qua. Người ta sợ những mộng, những mơ kia(Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm) sẽ làm gục ngã tinh thần người lính. Khi bình tĩnh nhìn lại, người ta mới đánh giá bài thơ một cách công bằng. Sao có thể trách nhà thơ khi ông thành thực, dũng cảm, nói lên những thực tế mà bao người né tránh? Quang Dũng còn dũng cảm hơn khi đã đề cập tới những mất mát, đau thương của chiến tranh- điều không thể phủ nhận, che giấu nổi. Chỉ có điều ông nói về những mất mát đau thương ấy mà không gợi cho người đọc cảm giác bi lụy, mệt mỏi, chán chường. Chắc chắn bài thơ đã động viên, khích lệ bao con người lên đường đánh giặc. Sức sống của tác phẩm được nâng lên bởi ẩm hưởng mà nó gợi ra cho người đọc về những năm tháng kháng chiến không thể nào quên của dân tộc. Quang Dũng đã ít nhiều ghi lại được hào khí của một thời kháng chiến chống Pháp, với hình ảnh trung tâm là những người chiến sĩ, là đời sống chiến trường đầy gian khổ và ác liệt, là những con đường hành quân gập ghềnh, hiểm trở, là cả một địa bàn hoạt động của binh đoàn được ghi dấu trong những năm đầu cuộc kháng chiến. “đặc sắc của ngòi bút Quang Dũng còn ở chỗ, tuy ông viết về chiến tranh nhưng cả bài thơ không có một chữ nào viết về trận đánh, về tiếng súng, về máu đổ hay kẻ thù. Bài thơ chỉ đơn giản nói về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Việt- Lào những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng người đọc vẫn hình dung rất rõ, gương mặt và không khí của chiến tranh”(Phong Lan). Sự sống, hơi thở của thời đại quả thực đã được dội vào tác phẩm. Thần dược làm bài thơ bất tử cũng bởi hơi thở ấy.
Thành công của Tây Tiến còn được tạo nên bởi tài hoa nghệ thuật của Quang Dũng. qua bài thơ, thi sĩ đã thể hiện một hồn thơ tinh tế và một bài thơ tuyệt diệu với một bút pháp tài hoa và lãng mạn. Hai yếu tố nhạc và họa đầy ắp trong tác phẩm. Bên canh những nét vẽ bạo tay, gân guốc còn có những thanh điệu trầm bổng. Quang Dũng đã có sự kết hợp khéo léo giữa bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn. Người cũng đã khen nhiều lời gây ấn tượng của hội họa, những câu thơ giàu tính tạo hình trong bài thơ, sư phối kết hai bè trầm bổng, hào hùng- hào hoa, về những thủ pháp cường điệu tương phản, những cách diễn tả mới lạ trong bài, cả cách cân bằng cảm giác mà nhà thơ mang đến cho người đọc. Tất cả đều chứng tỏ rằng: có một Quang Dũng rất tài hoa trong thơ. Ông đã tạo ra ấn tượng khó quên đối với người đọc chỉ riêng với bài thơ này.
Hơn sáu mươi năm qua, Tây Tiến của Quang Dũng có một số phận khá thăng trầm. Những hơi thở của đời sống được mang vào tác phẩm, tình cảm chân thành của nhà thơ, cùng với tài năng nghệ thuật kì diệu đã giúp bài thơ có sức sống bền bỉ. Sức sống ấy tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tác giả. Tên tuổi tác giả có thể bị lãng quên nhưng những cái rất đời, rất người, những khao khát, mong muốn hướng tới chân- thiện- mĩ được tác giả gửi gắm trong tác phẩm sẽ mãi mãi được khắc ghi một cách trân trọng.
Quang Dũng đã đi xa và chiến tranh không còn nữa nhưng bài thơ về người lính, về chiến tranh của ông sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người đọc, nhất là với những người đã từng sống trong thời đại ấy. Bức tượng đài bất tử về những người lính vô danh, những con đường chiến chinh gian khổ đã được tạc vào năm tháng. Nhận định của Nguyễn Bao hoàn toàn có căn cứ. Rõ ràng vận mệnh của bài thơ đã lớn hơn tên tuổi của Quang Dũng- người đã sinh ra nó. Nói như Vũ Quần Phương: “Bài thơ Tây Tiến đã không bị “chết già” trong sự cô đơn). Bài thơ đã sống mãi với thời gian, mãi là một kí ức đep về một thời đã qua. Xin mượn lời nhà thơ Nam Giang để khẳng định lại điều này:
“Tây Tiến biên cương chiều lửa khói
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy, con đường ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông”.

Lượt Xem: 1/
Link:
BBcode:
Bình Luận
Tên bạn:

Nội dung:





↑Cùng Chuyên Mục
Hosting By Xtgem.com © 2014 kenhvanhoa.yn.lt
Thiết kế: Trần Quang Phiên
phientran650@gmail.com
Tags: http://kenhvanhoa.yn.lt/view.html
SEO : Bạn đến từ :
1 | 1 l 47 l 494138