kenhvanhoa.yn.lt
HOME GD Giải Trí
» »
Phân tích những đặc điểm phong cách chính luận của Phạm Văn Đồng trong bài viết về Nguyễn Đình Chiểu

Phạm Văn Đồng- nhà hoạt động cách mạng xuất sắc- nhà văn hóa lớn của thế kỉ XX. Riêng trong lĩnh vực phê bình, ông viết nhiều bài văn nghị luận sắc sảo và có giá trị về các danh nhân văn hóa dân tộc như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh,… với một phong cách chính luận vừa khoa học vừa dễ hiểu, trong đó bài viết: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc. là một trong những minh chứng cụ thể.
Là một phương phức để tạo lập văn bản, văn nghị luận, chính luận có những đặc trưng riêng. Khác với phương thức tự sự, miêu tả nhằm tái hiện con người, văn nghị luận lấy việc đề xuất, bàn bạc, thảo luận, phê bình vấn đề có ý nghĩa xã hội làm nội dung chủ yếu, hướng tới người thuyết phục, người đọc, người nghe tin vào ý kiến đúng đắn cũng như phương thức trình bày, lập luận chủ đề của người viết.
Bài viết của đồng chí Phạm Văn Đồng về tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng đầy đủ những đặc trưng của văn nghị luận, với một bố cục chắt chẽ, lô gic.cách viết có sự kết hợp giữa văn học và cuộc sống; giữa lí lẽ và tình cảm và có cái nhìn mới mẻ, có chiều sâu về vị trí cũng như giá trị văn chương Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc.
Tính khoa học trong phong cách chính luận của Phạm Văn Đồng ở bài này trước hết được thể hiện qua việc tạo lập kết cấu văn bản chặt chẽ, lô-gic. cụ thể hơn, bài viết có bố cục bốn phần, mỗi phần mang một nội dung thông báo, phê bình khác nhau: trong phần một, tác giả khẳng định vị trí của Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là một nhà thơ- chiến sĩ cũng như quan điểm nghệ thuật và giá trị văn chương của ông; trong phần thứ hai, tác giả đưa ra nhận xét: văn chương Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương phản chiếu phong trào cách mạng chống Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam bộ trong những năm cuối thế kỉ XIX; phần thứ ba đề xuất cách tiếp cận và hiểu đúng giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên và phần thứ tư khẳng định một lần nữa về Nguyễn Đình Chiểu - người chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. hơn thế, trong mỗi phần của bài viết, để tạo được sức thuyết phục ở người đọc và người nghe, tác giả đã xây dựng được một lí lẽ, lập luận và cả những dẫn chứng xác thực. vì thế, bài viết là một cấu trúc nghệ thuật mang tính hệ thống, chặt chẽ, mạch lạc, thể hiện tư duy khoa học và tính lập thuyết cao của người viết.
Như đã nói ở trên, tính thuyết phục của tác phẩm nghị luận, chính luận chủ yếu thông qua hệ thống chính luận, lập luận chặt chẽ, thể hiện được mối quan hệ giữa văn học với cuộc sống, giữa lí lẽ và tình cảm. về phương diện này, bài viết của Phạm Văn Đồng cũng có những thành công. giữa cuộc sống của người cầm bút và tác phẩm mà họ tạo ra có những mối quan hệ “ máu thịt”. điều này càng đúng với nhà thơ- chiến sĩ Nguyễn Đình Chiểu. vì thế, trong bài viết của mình, Phạm Văn Đồng đã tạo dựng được chân dung tâm hồn cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu trong sự thống nhất với nội dung, giá trị văn thơ của ông: “vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài giá trị văn nghệ, còn quí giá ở chỗ soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý đến lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại… cảnh đất nước cũng như cảnh riêng càng long đong, đen tối, thì khí tiết của người chí sĩ yêu nước càng cao cả, rạng rỡ”. đúng hơn, theo Phạm Văn Đồng, qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu vừa thấy được “bức chân dung tự họa” con người tinh thần Nguyễn Đình Chiểu, vừa “làm sống lại trong tâm trí của chúng ta trong phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ”. thật ra, cách lập luận này không mới nhưng lại rất đúng, rất trúng với hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Đình Chiểu nên đã tạo được sức thuyết phục của người đọc, người nghe.
Lí luận và tình cảm là hai phạm trù độc lập, nhưng cái tài của người cầm bút Phạm Văn Đồng là đã kết hợp được tài hoa phạm trù ấy trong từng luận điểm mà mình nêu ra cũng như trong bình luận, đánh giá về cuộc đời và giá trị văn chương của Nguyễn Đình Chiểu. đây cũng là một trong những biểu hiện trong cách viết nghị luận của Phạm Văn Đồng trong bài viết này. Vì thế lập luận nhưng không khô khan mà xúc động; đánh giá khách quan, công bằng nhưng vẫn trĩu nặng nỗi ai oán với người xưa. chẳng hạn khi đánh giá về giá trị của bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, đã viết: “ bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ đến Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi… bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn… biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang… có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ!”. trong văn nghị luận, chính luận rất hiếm những câu văn giàu sắc thái tình cảm, biểu cảm như thế.
Không chỉ có sự kết hợp giữa văn học với cuộc sống, giữa lí lẽ với tình cảm, phong cách chính luận của Phạm Văn Đồng ở bài viết này còn được thể hiện qua cái nhìn có chiều sâu, mới mẻ của người viết về giá trị văn chương Nguyễn Đình Chiểu, nhất là tác phẩm Lục Vân Tiên. Vì thế, đã từng tồn tại ý kiến: trong bài viết này, Phạm Văn Đồng đã khôi phục lại giá trị đích thực vốn có của Lục Vân Tiên. một nhận xét quả không sai, bởi theo tác giả, tác phẩm Lục Vân Tiên là “bản trường ca ca ngợi trung nghĩa…Họ là những nhân vật của một thời đại nhân vật đã qua… họ là những con người ruột gan, xương thịt… họ đấu tranh không khoan nhượng chống mọi lẽ gian dối, bất công và họ đã thắng. họ là những tấm gương dũng cảm. vì lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú”. nhận xét trên đã cho thấy, Phạm Văn Đồng đã một cái nhìn mới, một cách tiệp cận mới trong việc khám phá giá trị đích thực tác phẩm văn học đẻ nói lên một điều có thật giữa các nhân vật trong tác phẩm với con người ngoài đời có một mối dây liên hệ gắn bó, có sự gần gũi đồng cảm; đó còn là cách nhìn khoa học có ý nghĩa phương pháp luân, tức không nhìn nhận, đánh giá tác phẩm theo một khuôn hình định sẵn, nhất là đối với những tác giả đặc biệt “ những vì sao có ánh sáng khác thường”, “chăm chú nhìn mới thấy, và càng nhìn mới càng thấy sáng”. Đúng hơn, vẻ đẹp của tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu nói chúng là Lục Vân Tiên nói riêng không phải là vẻ đẹp của những cây lúa xanh uốn mình trong gió nhẹ mà là vẻ đẹp của “đống thóc mẩy vàng”. Lâu nay, một số người nhìn chưa đầy đủ, chưa công bằng về Nguyễn Đình Chiểu chính là vì chưa nhìn vào “ánh sáng khác thường đó” để thấy hết vể đẹp “ đống thóc mẩy vàn” đó. Về nghệ thuật của tác phẩm Lục Vân Tiên, Phạm Văn Đồng nhấn mạnh đây là một “truyện kể”, truyện “nói”, và nhà thơ cố viết một lối văn nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ và có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian; lưu ý đến hoàn cảnh sáng tác của tác giả “ vì mù nên chỉ có thể đọc cho người khác viết” để đi đến kết luận: “… dẫu sao chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật hấp dẫn từ đầu đến cuối”.
những ý kiến trên đây được tác giả trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc với cách viết dung dị, dễ hiểu. ví như ông đưa ra hai dẫn chứng thật hay về văn chương Lục Vân Tiên để đi đến kết luận: “ trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say xưa “kể” Lục Vân Tiên không phải chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của “Lục Vân Tiên”. quả là, một sự đánh giá thật công bằng mà khoa học, khách quan, và theo Phạm Văn Đồng, đó mới chính là con đường tiếp cận và chiếm lĩnh để đánh giá vị trí của tác giả, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu. hoặc nữa, để chứng minh cho giá trị đích thực của văn chương Nguyễn Đình Chiểu để khẳng định một tài năng xuất chúng, một bản lĩnh phi thường, Phạm Văn Đồng còn dẫ ra những tác phẩm văn chương được xen là những “đóa hoa”, những “hòn ngọc” vì như bài Xúc cảnh mang đậm phong vị đường thi: “ Mây giăng ải bắc trông sương hay há đội trời chung”. Cho nên, cách nhìn, cách phát hiện và cách đánh giá về tác giả, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu của Phạm Văn Đồng có ý nghĩa định hướng và điều chỉnh là thế. từ cách nhìn đúng đắn ấy, tác giả đã đặt Nguyễn Đình Chiểu vào trong hoàn cảnh sống, đặc biệt là khi đất nước, quê hương bị thưc dân Pháp xâm chiếm để đi đến một sự đánh giá mới mẻ về Nguyễn Đình Chiểu như một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng.
nói đến phong cách chính luận của Nguyễn Đình Chiểu trong bài viết này còn phải nói đến một cách viết dung dị, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với đại chúng nên càng tăng sức huyết phục ở người đọc, người nghe. chẳng hạn đây là một cách viết dung dị, một lối ví von rất quen thuộc với cảm thức người Việt: “trên đời có những vì sao có ánh sáng khác thường nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. hoặc lại có những câu văn, đoạn văn với lối viết rõ ràng, dễ hiểu nhưng đã khơi gợi được sự đồng cảm sâu sắc của người đọc: “không phải ngẫu nhiên mà văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu một phần là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tân trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân… Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả; thật là sinh động vào não nùng, tình cảm của dân tộc đối với người chiên sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày quốc, bống chốc trở thành người anh hùng cứu nước”. hoặc nữa, khi nhận xét về các nhân vật chính diện, đại diện cho chính nghĩa, cho cái tốt, cái thiên trong tác phẩm Lục Vân Tiên, tác giả lại chọn một lối viết rất hợp với đại chúng “họ là những nhân vật của thời đại đã qua… nhưng họ là những con người có ruột gan, xương thịt…Họ đã đấu tranh không khoan nhưng chống mọi gian dối, bất công và họ đã thắng. Họ là những tấm gương dũng cảm. vì những lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ là chúng ta cảm xúc và thích thú”,…
Tóm lại, phong cách chính luận của ngòi bút Phạm Văn Đồng trong bài viết “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc.” được thể hiện qua các biểu hiện: tạo lập được một bố cục chăt chẽ, lô gic; một cách viết có sư kết hợp giữa văn học với cuộc sống; giữa lí lẽ và tình cảm có cái nhìn mới mẻ, có chiều sâu về giá trị tác phẩm văn học về lối viết dung dị, trong sáng, hợp đại chúng. Chính những đặc điểm này đã làm nên cách nghiên cứu vừa khoa học vừa chính luận trong phong cách viết nghiên cứu vừa khoa học vừa dễ hiểu trong phong cách chính luận của ngòi bút Phạm Văn Đồng.

Lượt Xem: 1/
Link:
BBcode:
Bình Luận
Tên bạn:

Nội dung:





↑Cùng Chuyên Mục
Hosting By Xtgem.com © 2014 kenhvanhoa.yn.lt
Thiết kế: Trần Quang Phiên
phientran650@gmail.com
Tags: http://kenhvanhoa.yn.lt/view.html
SEO : Bạn đến từ :
1 | 5 l 51 l 494142
XtGem Forum catalog